Những món ăn ngon đặc sản nổi tiếng Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, ruộng vườn thẳng tắp cò bay, vườn cây trái xum xuê trĩu quả ngọt. Miền Tây có những nét ẩm thực độc đáo mang đậm bản sắc vùng miền với vô sô các món ăn đặc sản nổi tiếng mang hương vị đặc trưng, được chế biến khéo léo, bắt mắt, ghi lại dấu ấn khó phai trong lòng thực khách phương xa.
1. Đặc sản mắm bò hóc
Đây là món ăn đặc sản nooit tiếng vốn có nguồn gốc xuất phát từ người Khơ Me ở Campuchia. Về sau, khi họ di dân về phía Tây Nam Bộ thì trở thành món ăn truyền thống của người địa phương. Mắm được làm từ các loại cá nước ngọt như cá lóc, cá rô… Cá sau khi làm sạch ruột, lấy hết các tia máu ra được đem ngâm với nước muối, sau đó mang đi phơi khô.
Sau khi tẩm ước gia vị muối, ớt, đường, tỏi… thì cá được đè ép thật chặt cho rỉ hết nước. Tiếp đó mang cá xếp vào lu, theo tỷ lệ một lớp cá, một lớp muối và cơm nguội để giúp cá nhanh lên men. Đây là công đoạn cực kì công phu, vì nếu không nén chặt, cá dễ bị hỏng. Trong quá trình ủ, thỉnh thoảng đem lu ra phơi nắng để dễ hình thành mắm.
2. Đặc sản bún cá Châu Đốc
Bún cá vốn là món ăn nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở An Giang, Kiên Giang.
Bún cá ở An Giang thường có màu vàng hấp dẫn của nghệ, mùi thơm nhẹ của củ ngải bún cùng nước dùng đậm đà, miếng thịt của cá lóc đồng chắc nịch, ăn một lần nhớ cả đời. Tất cả những hương vị, nguyên liệu tuyệt vời đã làm nên tô bún cá Châu Đốc trứ danh. Thực khách phương xa hay các tín đồ ẩm thực đều biết đến món bún đặc biệt này.
3. Đặc sản lẩu mắm
Lẩu mắm là một trong số các món ăn đặc sản nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại lẩu đặc sắc của miền Tây bởi tổng hợp nhiều yếu tố ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước. Đặc trưng của lẩu mắm là sự kết hợp chưng cất giữa nước dừa với món cá linh ở vùng Châu Đốc An Giang, mùi vị không hề khó chịu, đặc biệt nhờ nước dừa và vị nước xương hầm thơm ngậy nên không hề khiến bạn cảm thấy có mùi như tên gọi vốn có của nó là lẩu mắm.
Đến bất cứ đâu ở miền Tây bạn cũng sẽ được thưởng thức món lẩu hấp dẫn. Mỗi nơi sẽ có cách chế biến và thực phẩm ăn kèm rất riêng, ở An Giang người ta ăn lẩu mắm với cá linh, bông điên điển, ở Bạc Liêu thì lẩu mắm được dùng chung với năng, bông sua đũa, tôm, mực…
4. Đặc sản cá lóc nướng trui
Là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng mang nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long từ hình thức cho đến hương vị. Món cá lóc này được nướng trụi nên có màu hơi cháy, tuy nhiên khi thưởng thức thì cực ngon. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xiên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn.
Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm, có độ giòn và ngọt nhất định, bên cạnh đó hương vị nước chấm cũng làm nên độ hấp dẫn của món ăn này với nước chấm chua cay hay mắm me pha muối ớt chanh đều rất hấp dẫn. Tuy dân dã, đơn sơ nhưng món cá lóc nướng trui vẫn được xem như một trong những món ăn đặc sản Tây Nam Bộ bởi vị ngon, ngọt của thịt cá, cùng với mùi thơm lừng của hương đồng nội hòa quyện vào nhau.
5. Đặc sản bánh xèo miền Tây
Nếu như bánh xèo miền Trung chỉ nhỏ bằng hai lòng bàn tay úp lại thì bánh xèo miền Tây lại to như cái thúng. Nhân bánh xèo miền Tây được làm từ củ sắn, cà rốt, nấm bào ngư, thịt heo và tôm, thỉnh thoảng ở một số nơi muốn làm cách điệu có thể cho thêm một số nguyên liệu khác vào.
Về miền Tây, rất ít khi thấy người ta dùng bánh tráng để cuốn bánh xèo. Thay vào đó, họ tận dụng các loại rau như tía tô, lá cách, đọt chùm ruột non, lá cóc, lá xoài, lá lốt, cải xanh, rau xà lách… để cuốn bánh. Thế nên, đặc trưng để phân biệt bánh xèo miền Tây với bánh xèo ở những nơi khác chính là ở dĩa rau ăn kèm. Điều làm nên vị ngon cho món ăn chính là sự kết hợp hài hòa hương vị giữa các loại rau thơm khi chấm mắm, ăn kèm với bánh xèo.
6. Đặc sản mắm Châu Đốc
Mắm Châu Đốc An Giang là một món ăn đặc sản nổi tiếng Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều người lựa chọn để làm quà cho người thân.
Đặc sản mắm Châu Đốc đã có cách đây gần 150 năm, nổi tiếng cả trong và ngoài nước với hàng trăm loại mắm ngon mang hương vị rất riêng. Mắm Châu Đốc có nhiều loại mắm như: mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá trèn, mắm cá linh,… tuy nhiên nổi tiếng nhất cần nói đến mắm thái.
7. Đặc sản chuột đồng
Là vựa gạo lớn nhất nhì cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu những ruộng lúa bạt ngàn, trải dài tít mù tắp. Vì thế, chuột đồng ở các ruộng lúa cũng được người dân tận dụng, chế biến thành món đặc sản nổi tiếng. Khác với các loài chuột khác sống ở nơi kém vệ sinh, đa phần chuột đồng đều ăn lúa, sống ở trên các đồng ruộng nên khá sạch sẽ.
Chuột đồng được chế biến thành nhiều món khác nhau như chuột xào lăn, chuột luộc cơm mẻ, chuột nướng lu, chuột xối mỡ, chuột xé phay… Thịt chuột trắng, dai hơn cả thịt gà ta. Nếu lần đầu tiên thưởng thức, có lẽ bạn sẽ trầm trồ kinh ngạc về độ ngon của nó, mặc dù chưa biết nó là thịt gì. Người ta thường bắt chuột đồng vào mùa lúa chín, lúc này chuột béo và thịt rất săn chắc, ăn cực kì thơm ngon.
8. Đặc sản đuông dừa
Món ăn có vẻ kinh dị này cũng chính là món đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long khá nổi tiếng. Đuông dừa thường sống trên thân cây dừa, nhìn có phần giống nhộng nhưng lại mập hơn rất nhiều, thân béo tròn trùng trục.
Những món ăn được chế biến từ đuông dừa cũng rất đa dạng như đuông lăn bột, đuông chiên giòn, đuông rang, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hấp xôi, đuông dừa tắm mắm hay muốn có những trải nghiệm độc đáo hơn thì các bạn có thể thưởng thức sống khi chúng còn đang ngọ nguậy.
9. Đặc sản cá thòi lòi nướng muối ớt
Cá thòi lòi là một loại cá đặc trưng của vùng ngập mặn, người dân còn gọi là cá leo cây. Loài cá này hình dáng kì dị nhưng thịt chắc, ngọt thơm, mềm mại lại không hề có xương dăm, một món ăn đặc sản nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Thịt cá thòi lòi không mỡ nên khi nướng cá thường được phết thêm bên ngoài chút mỡ nước để nướng cho khỏi cháy. Nướng cá trên lửa than hồng, cá chín có mùi thơm lan tỏa quyện cùng mùi cay nồng của ớt rất kích thích khứu giác và vị giác.
Tùy theo sở thích, nhiều người có thể ăn cá nướng kèm nước mắm chua cay, muối tiêu chanh hoặc nước mắm me cay… Món ăn dùng kèm với bún, bánh tráng, các loại rau như cải xanh, xà lách, rau thơm, chuối chát, khế chua… cho vị thơm ngon đúng điệu.
10. Đặc sản rùa rang muối
Rùa rang muối là một món ăn đặc sản nổi tiếng vô cùng quý hiếm ở Cà Mau. Nơi đây có nhiều loài rùa sinh sống, thế nhưng chỉ có thịt của rùa vàng và rùa nắp là hợp để nấu món rùa rang muối, thịt của những loại này ngọt, bùi chứ không hôi tanh như rùa quạ, rùa hội hay các loại khác.
Món ăn này có cách chế biến khá đơn giản, thịt rùa được lấy huyết, sau đó bỏ vào nồi gang chứa đầy muối hột và nấu chín. Vị ngọt của thịt rùa với vị mặn của muối hột hòa lẫn vào nhau làm cho hương vị của món ăn càng thêm đậm đà.